Mong muốn được yêu thương

(Ảnh chụp vào mùa đông, nơi thành phố tôi từng sinh sống)

Mong muốn được yêu thương. 

Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ có đủ can đảm ngồi viết ra những dòng dưới đây để nói về mong muốn được yêu thương, vì điều này gắn liền với một trải nghiệm nhiều tiếc nuối ở quá khứ mà tôi vẫn chưa bao giờ dám chia sẻ với bạn bè và ngay cả gia đình. Tuy vậy, tôi vẫn muốn viết một bài viết thành thật, mở đầu cho hành trình viết của bản thân tại The Learning Diary. 

Tôi đã và đang, và tôi nghĩ bản thân mình sẽ luôn mong nhận được tình yêu thương từ những người xung quanh. Nhưng có chăng điều đó sau trải nghiệm tôi sắp viết ra trong bài viết này, khác với quá khứ, mong muốn đó đã kèm theo một vế cực kỳ quan trọng đối với tôi ở phía sau: Mong muốn được mọi người yêu thương vì tôi là chính bản thân mình.

Tôi đã mất rất lâu để có thể ý thức được rằng bản thân tôi thường tự động cố gắng để trở thành hình mẫu mà tôi nghĩ đối phương tiếp xúc với mình sẽ yêu thích. Nhớ lại đầu năm ba đại học, vừa trở lại Nhật sau gần 1 năm rưỡi ở Việt Nam vì COVID-19, tôi được một người chị chung trường giới thiệu công việc làm thêm chính thức đầu tiên. Khi đã làm công việc được một vài ngày, tôi bắt đầu suy đoán rằng các bác làm chung với tôi thích những người hay cười, xởi lởi nói chuyện, không ngại chia sẻ và nhanh thạo việc. Bây giờ nghĩ lại, có khi suy nghĩ đó sẽ chỉ là phán đoán đơn thuần mà không dẫn đến điều gì xấu nếu tôi không gồng mình để trở thành một người như hình mẫu tôi tự tạo ra trong đầu. 

Tôi là người có tính cách hướng nội, không phải là người thật sự giỏi ăn nói cũng như dễ dàng chia sẻ về bản thân mình. Tôi thấy bản thân an yên khi được giữ lại những phần thuộc về cá nhân riêng tư như hoàn cảnh gia đình, ước mơ hoài bão, tình yêu, etc. Nếu có dịp, tôi sẽ chỉ trò chuyện với những người tôi cảm thấy an toàn khi nói về những câu chuyện liên quan đến những chủ đề tôi đã nhắc đến ở phía trên. Tôi cũng là người khá vụng về trong những công việc liên quan đến dọn dẹp, nên phải hỏi nhiều rồi mới biết cách làm. Vậy mà lúc ở chỗ làm, tôi đã quyết định “phớt lờ” con người thật đó đi. 

Ban đầu, mọi chuyện có vẻ diễn ra như ý tôi muốn, tôi thấy mình nhận được sự quan tâm và yêu thích từ các bác làm chung. Vì “giả trang” là một người thích chia sẻ, tôi đã nói những điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ là bản thân tôi sẽ muốn nói. Vì “giả trang” là một người thạo việc, nên nếu có việc không biết thì tôi cũng chẳng dám hỏi cách làm. Nhưng dần dà sự sắm vai khiến tôi ngày càng cảm thấy ngột ngạt và bức bối với chính mình, để rồi điều đó tác động tiêu cực đến hiệu quả và cả những mối quan hệ trong công việc. Đến cuối cùng, không chỉ tôi, mà những người xung quanh cũng không biết tôi thật sự là người như thế nào. 

Tôi xin nghỉ chỗ làm thêm khá đường đột, phần nhiều là tôi cảm thấy mình cần một sự giải thoát. Giải thoát khỏi hình mẫu mà mình đã tạo ra, và cũng từ đó dành nhiều thời gian suy nghĩ để thay đổi bản thân mình. Hôm cuối cùng khi đi bộ từ chỗ làm về trạm tàu gần nhất, tôi nhớ rõ bản thân mình thấy có nhiều tiếc nuối như thế nào vì những mối quan hệ không thể duy trì và những lỗi lầm tôi đã gây ra, nhưng cũng nhẹ nhõm vô cùng vì không còn gánh nặng phải sắm vai gì nữa. 

Trải nghiệm đau đớn đó để lại trong tôi một bài học lớn. Sau này, khi gặp người nào mới trong đời và bắt đầu có một mối quan hệ mới với họ, tôi không còn vì quá mong muốn được người đó công nhận và yêu thương mình mà sống không chân thật với những suy nghĩ, cảm xúc, ưu và khuyết điểm của bản thân. Tôi đã tạo cho bản thân một thói quen: Sau khi tiếp xúc với người mà tôi biết là bản thân sẽ phải xây dựng mối quan hệ với người này vì bất kì mục đích nào bao gồm công việc, học tập, etc, tôi sẽ nói với bản thân rằng “Bạn không cần gắng gượng trở thành một người nào đó mà bạn nghĩ đối phương sẽ thích. Bản thân bạn là người tốt và cứ thể hiện ra những tính cách, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, người khác sẽ yêu quý bạn vì chính con người bạn”.

Lời nhắn trên có tác dụng làm tôi cảm thấy an tâm thể hiện các khía cạnh mà tôi có mà không phải cảm thấy lo lắng và dè chừng. Tôi bắt đầu thoải mái hơn trong hầu hết các mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ với những người thầy, người cô lớn hơn tôi nhiều tuổi. Tôi tự do hơn cũng vì tôi nhận thức được mình là người duy nhất có quyền diễn tả những suy nghĩ và thể hiện những cảm xúc của mình. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tích cực đến cá nhân tôi, mà còn khiến cho những người tiếp xúc với tôi trở nên an tâm và thả lỏng bản thân họ. Từ đó, tôi đã có được thêm nhiều mối quan hệ tích cực và thoải mái giữa người với người, cũng như nhiều cơ hội để dễ dàng chia sẻ với những người xung quanh hơn.

Đến bây giờ, sau khi thực tập điều này thường xuyên gần 2 năm, tôi nhận ra sức khoẻ tinh thần của mình ổn định hơn vì trong cuộc sống hằng ngày của tôi có rất ít những mối quan hệ gây áp lực hay căng thẳng. Tuy nhiên, điều kỳ diệu mà tôi không ngờ tới đó chính là từ khi tôi chấp nhận sống là mình và dũng cảm thể hiện bản thân dù tôi vẫn còn nhiều khuyết điểm, tôi bắt đầu nhận được rất nhiều tình yêu thương từ mọi người, nhiều hơn cả những gì mà tôi đã luôn mong ước trong quá khứ. 

Viết bài viết này đến cuối cùng, chỉ mong có thể gửi cho bạn – người đang đọc bài viết này, sự cổ vũ nhiệt thành nếu bạn muốn sống là chính mình. Và tôi cũng luôn ước mong rằng, khi bạn đã sẵn sàng sống như thế, thì con người chân thật của bạn sẽ nhận được thật nhiều yêu thương.

The Learning Diary

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *